Tranh cãi cha mẹ ở viện dưỡng lão hay ở nhà phụng dưỡng?

Nội dung bài viết

Video học lập trình mỗi ngày

Gần đây có nhiều người tranh luận về một talk show truyền hình giữa những người của công chúng là nghệ sĩ Quyền Linh và đạo diễn Lê Hoàng. Đại ý có câu chuyện đề cập đến việc cha mẹ khi về già sẽ sống ra sao. Quyền Linh có quan điểm là phải ở cùng con cháu để được báo hiếu, phụng dưỡng; còn Lê Hoàng cho rằng không hoàn toàn vậy, có thể để các cụ ở nhà dưỡng lão, con cái không phải chăm sóc. Theo lối nghĩ Á Đông, rất nhiều người “ném đá” Lê Hoàng, cho đến khi ai đó nhận ra quan điểm của Lê Hoàng có phần đúng khi nhìn đâu đó trong xã hội không ít cảnh tượng con cái bạc đãi, bạo hành chính cha mẹ ruột của mình. Việc này đương nhiên đặt ra nhiều suy nghĩ cho chúng ta, chẳng hạn: có nên có con bằng mọi giá, nếu có con thì khi nào nên rời xa chúng, về già ta sống với ai…


Tôi có con khá muộn, vào tuổi 36 tôi mới mang thai và sinh con ở tuổi 37 (có thể nói là tuổi có nguy cơ cao về thai nhi, khi ấy tôi nằm trong danh sách sản phụ phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc trước khi sinh với “triple test” theo chỉ dẫn của bác sĩ sản khoa). Bản thân tôi do phấn đấu học hành, công việc, nghề nghiệp...nên cũng đã từng phải chịu nhiều áp lực về việc có chồng nhưng mãi không có con, đi đâu cũng phải trả lời những câu hỏi “có bầu chưa” hay “có mấy đứa rồi”… thậm chí có những bình phẩm khá ác miệng nghe đến thắt lòng kiểu “người độc không con”… 


Nhưng cho đến giờ này, tôi chưa bao giờ kỳ vọng vào chuyện con mình sẽ báo đáp ra sao, về già nó phải phụng dưỡng tôi thế nào. Trái lại, tôi nghĩ mình có trách nhiệm nuôi con khôn lớn, trưởng thành vì tôi là người đã sinh ra nó, nên không thể tạo ra cho xã hội một đứa trẻ sống tiêu cực, sau này là một công dân đầy hoen ố, thậm chí đến mức tồi tệ, đáng khinh. Khi nuôi dạy con, tôi thích truyền cho nó cảm hứng sống độc lập, không phụ thuộc, không bao bọc thái quá và sống có kế hoạch cho một ngày trưởng thành rời xa gia đình thì nó vẫn tự đi bằng đôi chân của nó, không nên hoảng sợ bất cứ điều gì vì đó là cuộc sống, là sự sinh tồn như quy luật hiển nhiên của cuộc đời này vậy.

Tranh cãi cha mẹ ở viện dưỡng lão hay ở nhà phụng dưỡng?

Dĩ nhiên, vấn biết rằng, có chồng rồi sinh con là quy luật, nhưng không có nghĩa ai cũng phải tuân theo quy luật ấy nếu họ có những hoàn cảnh riêng, kế hoạch riêng, cách nghĩ riêng, lối sống riêng... Ngoài kia, phần lớn mọi người đều vận hành theo quy luật ấy nhưng trong số đó, không ít trường hợp cha mẹ bất hạnh vì con hư, vì sự bất hiếu, vì những lời nói cay đắng, với tư cách của kẻ sinh thành, không đáng phải hứng chịu. Tôi thấy, ở vào hoàn cảnh ấy, không có những đứa con này lại là may mắn, chẳng thà không có con như vậy còn đỡ tủi hổ, đỡ đau đời. Song cũng ngoài đó, nhiều người chưa muốn có con hoặc không thể sinh con… nhưng họ vẫn nắm tay nhau hạnh phúc để đi cùng trời cuối đất đấy thôi, vẫn chia sẻ tiếng cười khi vui, lau khô nước mắt khi buồn vì đối với họ - lớn lao hơn cả vẫn là tình yêu tri kỷ, là ân nghĩa phu thê. Điều đó nói lên rằng, con cái là kết quả của tình yêu chứ không phải là biện pháp bảo đảm cho tình yêu vững chắc. Đàn ông lấy vợ để có cuộc sống mà hai người cùng hướng đến gắn bó bền lâu bên nhau, chứ không phải để biến người phụ nữ của mình thành công cụ sinh sản, duy trì nòi giống. Và quan trọng, người cha nào cũng muốn "con hơn cha" chứ không phải là những đứa trẻ chỉ quen làm khổ người đã sinh ra chúng, và như thế - sinh con ra để có ích chi?


Tôi đặc biệt ghét việc lấy con chung ra làm lý do cố gắng để duy trì sự thủy chung giả tạo trong hôn nhân hay cắt nghĩa cho việc vì con cái, không thể ly hôn dù cả hai đang bất hạnh. Đây là điều khó chấp nhận vì tôi cho rằng: hạnh phúc của cha mẹ phải tự thân người lớn xây đắp và gìn giữ, chứ không phải là nghĩa vụ của những đứa con. Tôi tin, để có được những đứa con chung là mong muốn thực sự nhưng không có đàn ông nào thích nghe vợ mình than vãn, thậm chí luôn miệng ân hận về sự hy sinh những năm tháng trẻ trung do thực hiện bổn phận sinh con đẻ cái, đánh mất thanh xuân. Kết quả của tình yêu, hay hành trang cho những đứa trẻ trưởng thành không thể là những lời than vãn, trách cứ nhau của cha mẹ về sự xuất hiện của chúng trên đời này.

Thể nên, tôi luôn ngưỡng mộ những người phụ nữ có lòng ái kỷ, tự tôn, độc lập về kinh tế, có bản lĩnh sống, có khí chất, đa trải nghiệm, dù kết hôn muộn, dù sinh con chậm, thậm chí không có con...nhưng họ luôn chịu trách nhiệm về lựa chọn của chính mình, không đổ lỗi cho ai cả và càng không để tâm chuyện dư luận nói gì, miễn sao sống cho lương thiện.


Tôi cũng rất quý trọng những phụ nữ biết chọn cho mình hoàn cảnh sống thích hợp tại mỗi thời điểm, dám chịu trách nhiệm về quyết định của mình bằng chính kiến, bằng sự tự nguyện thay vì than thở phải hy sinh cho những gì đã chọn.


Có con hay không có con, và nếu có con, sang tuổi bắt đầu già, chúng ta có thể học cách xa chúng để bọn trẻ tự trưởng thành, tự bước đi dù đường đời không trải hoa hồng dưới chân chúng, và cũng là để dành thời gian cho cặp đôi cha mẹ lại được rảnh rang nắm tay nhau như ngày mới yêu, tiếp tục tự do khám phá thế giới của người có tuổi - đó cũng là điều thú vị đáng làm. Đừng cho rằng có tuổi rồi thì chúng ta không còn nhu cầu đi tìm những giá trị thật sự của đời sống – đó là giá trị của những người biết yêu bản thân, yêu người bạn đời của mình mà không lệ thuộc vào điều gì, nhất là lệ thuộc vào con cái.


Vì vậy, trên nhân gian này dù có rạn nứt hay đứt gãy tình cảm của cha mẹ với con cái, dù cuộc đời có gặp bình minh lên hay hoàng hôn xuống thì ta nên chủ động đón nhận theo cách của mình. Sau kết thúc luôn là một sự khởi đầu, sau vấp ngã thì phía trước lại là hành trình mới. Cứ thử sống cho mình, yêu bản thân đến từng milimet, để khi có tuổi không phải ngẩn ngơ hối tiếc. Chúng ta chỉ thực sự hạnh phúc khi biết làm cho bản thân mình hạnh phúc, chứ không phải kỳ vọng điều đó do con cái mang lại. Tôi nghĩ vậy.

(Bài này xin đối thoại theo yêu cầu của một người bạn là diễn giả chuyên nghiệp)

Tác giả: Trần Hồng Phúc

Có thể bạn đã bị missing