Phương pháp 1-2-3 Magic, Phạt bé 1 mình - phần 1

Nội dung bài viết

Video học lập trình mỗi ngày

Sóc hư, vừa mới bị mẹ phạt time-out vì tội đưa tay lên miệng ngậm cho giống mấy bạn trong lớp. Mẹ nói mãi không nghe, mẹ đếm 1-2-3, xong xách Sóc vào phòng ngủ, vặn đồng hồ kitchen timer. Boong, 2 phút, hết. Sóc ra, mắt rân rấn nước, ngồi vào lòng ba. Mẹ bắt xin lỗi, rồi mẹ thơm. Nói con là mẹ nói phải nghe. Tay dơ đưa vào miệng. Thói quen xấu của bạn, mẹ nói xấu mà bắt chước.

 

Cũng lâu rồi Sóc mới bị time-out. Tổng cộng từ lúc áp dụng lúc 18 tháng đến giờ Sóc bị time-out khoảng 5 lần. 1 lần Sóc bị time-out trong lớp vì đánh bạn, cô giáo méc. Chắc nhớ áp dụng sớm nên không đến nỗi bướng. 

 

Kể đi kể lại, mình cũng khẽ tay con những ngày đầu con hư. Bạn nhéo Sóc (khi buồn ngủ, quạu mà), sau 3 ngày không phản kháng, ngày thứ tư, bạn tới gần là Sóc lấy tay đẩy bạn ra, có khi cũng nhéo. Sau đó là đánh bạn. Mẹ khẽ tay, đau thiệt đau mà con vẫn đánh bạn. Sau đó là đánh Kiki. Nhờ mẹ Kiki nói mình mới biết. Sóc thấy mình đánh Sóc được thì Sóc nghĩ là Sóc có quyền đánh bạn. Giống như chị Huyên kể, chị Huyên khẽ tay chị Mimi khi Mimi hư, vậy là lần sau, khi chị Huyên vừa kịp nói "Mimi hư quá" thì em Kiki lại đánh chị "giùm mẹ". 

 

Do đó, tuyệt đối không đánh trẻ, dù là khẽ tay, để dạy trẻ. Và nói trước, time-out là phương pháp "ngắt, dừng, can thiệp" hành động xấu của trẻ, lái sự chú ý của trẻ qua một hướng khác mà không đánh, la, hét, kể lể. Phương pháp này của tác giả Thomas W. Phelan, được viết chủ yếu trong quyển sách "1-2-3 Magic-- Effective Discipline for Chlidren 2-12". Mình vớ được quyển này trong The Salvation Army, giá 75 cent. Thấy "kỷ luật hiệu quả" là mua liền, chứ bình thường toàn mượn sách trong thư viện. Nôm na là "vớ được bí kíp.

 

Nhiều người nghe Time-out thì cũng time-out con nhưng không đúng cách, gây hiệu quả ngược. Con vẫn lờn, mẹ vẫn la hét. Lưu ý là phương pháp này không nói nhiều, chỉ đếm 1-2-3. Sau nhiều lần, trẻ chỉ cần nghe đếm 1 là lập tức ngưng ngay hành động mà bố mẹ không muốn trẻ làm. Do đó, tác giả yêu cầu cha mẹ đọc hết 14 chương mới được áp dụng.

 

Tác giả phân biệt 2 hệ thống hành động của trẻ là "Stop behavior" và "Start Behavior". Hệ thống đầu tiên (Stop behavior) là những hành động cha mẹ không muốn con làm, được coi là xấu, hư như: không lễ phép, khóc ăn vạ, cãi,  giành đồ chơi, đánh nhau, la hét, v.v... Mỗi hành động này không quá tệ, nhưng khi chúng cứ cộng dồn vào thì cha mẹ dần dần chịu không nổi. Hệ thống hành động tốt (start behavior) gồm những việc như dọn dẹp phòng, làm bài tập về nhà, tập đàn (nhạc cụ), thức dậy buổi sáng, đi ngủ, ăn, đánh răng, v.v... Đây là những việc cha mẹ muốn con làm một cách tự giác (không cần cha mẹ la hét, đe dọa). Lý do phải phân biệt hai hệ thống này là vì mỗi hệ thống có cách áp dụng riêng.

 

Đối với STOP behavior, dùng cách đếm 1-2-3. Đối với START behavior, dùng 1 trong 6 cách hoặc kết hợp: Sloppy Positive Verbal Feedback (dùng lời khen), Kitchen Timers (đếm giờ), Docking System (Cắt giảm tiền cho mỗi tuần), Natural Consequences (hậu quả tữ nhiên), Charting (dùng bảng biểu), A variation of 1-2-3 (môt cách dùng khác của cách đếm 1-2-3). Người sử dụng phải xem hành động của trẻ rơi vào hệ thống nào, nếu dùng không phù hợp, vì dụ như đếm 1-2-3 phạt cho việc kêu con làm bài tập thì sẽ dẫn đến hệ quả sai.

 

Trong bài viết này mình nói sơ về cách ứng dụng 1-2-3 trong các hành động gọi là xấu của con (vừa dịch, vừa lựa ra điểm cần thiết).

 

Tác giả nhắc đến 2 lỗi cha mẹ hay mắc phải là NÓI QUÁ NHIỀU và CẢM XÚC QUÁ NHIỀU. Nói nhiều và khi không có kết quả, dẫn đến Hội chứng Nói- thuyết phục- Tranh luận- La hét - Và Đánh con. Còn cảm xúc quá nhiều cũng không tốt. Lý do: Trẻ nhỏ, cảm giác bất lực khi còn nhỏ: không quyền hành, ít kỹ năng, v.v... những thứ này làm trẻ khó chịu. Và khi trẻ dù nhỏ có thể làm bạn "lớn" nổi giận, buồn phiền, cảm giác có được chút ít power nhiều khi làm trẻ thích thú. Có một tất yếu quan trọng là "Nếu bạn có con làm một việc bạn không thích, bạn trở nên bực mình thường xuyên thì chắc chắn là con bạn sẽ lặp lại hành động đó với bạn".

 

KIỂM SOÁT HÀNH ĐỘNG XẤU

Quy tắc 1: Dùng pp đếm 1-2-3 để giải quyết hành động xấu.

Quy tắc 2: Không nói nhiều (kể cả giải thích) và không thể hiện cảm xúc.

 

Một ví dụ khi không áp dụng quy tắc 2 (dù có quy tắc 1):

"1. Làm đi con. Mẹ mệt mỏi với con lắm rồi. Mẹ không biết tại sao con không thể làm một việc nhỏ xíu cho mẹ nữa. (hét)- NHÌN MẸ KHI MẸ NÓI CHUYỆN VỚI CON!- trong khi cái gì mẹ cũng làm cho con hết".

"OK, 2! Một lần nữa. Con có thích đi vào trong phòng con không hay là con cứ muốn làm mẹ phát điên lên vậy?!"

(ngưng để thở)

"OK, (hét to) MẸ CHỊU ĐỦ RỒI! 3! BIẾN KHỎI MẮT MẸ! MẸ KHÔNG MUỐN THẤY CON LẦN NỮA."

 

Ví dụ trên không phải là 1-2-3 vì vi phạm quy tắc "KHÔNG NÓI" và "KHÔNG CẢM XÚC". Tác giả giải thích có một chuyện thú vị xảy ra khi bạn cứ tiếp tục như vậy. Khi bạn bắt đầu đếm 1, và sau đó ngưng nói, gánh nặng rơi về đứa trẻ. Nó có trách nhiệm về thay đổi hành vi. Nhưng nếu bạn cứ nói, một chuyện lạ xảy ra là bạn giành lấy trách nhiệm đó và toàn cảnh kỷ luật bị thay đổi. Quy luật là đứa trẻ không phải thay đổi nếu như bạn không cho chúng 3 hoặc 4 lý do tốt để chúng thay đổi. Và chẳng biết đến bao giờ thì đứa trẻ trong tình huống này sẽ hiểu ra và nói "Dạ, con hiểu rồi, trước giờ con chưa nghĩ như vậy". 

 

Những vấn đề khác xảy ra khi cha mẹ vi phạm 2 quy tắc trên. Một là trẻ không thể nghe rõ lời cảnh báo của bạn khi bạn đếm. ("1" hoặc "Lần 1") vì lời cảnh báo bị trộn lẫn giữa những lời lẽ khác (tác giả dùng chữ "verbal garbage"- lời lẽ rác rưởi). Nếu bạn có con bị hội chứng mất tập trung (Attention Deficit Disorder), tức là không thể tập trung được lần đầu tiên, thì trẻ khó mà chú ý vào lời cảnh báo của bạn . Một vấn đề khác là khi bạn la hét, rầy la, tranh luận với con, nhiều trẻ coi đó là một cuộc chiến. Có rất nhiều trẻ không hề muốn mình bị thua trong cuộc chiến bằng lời này. Những lời lẽ đầy cảm xúc làm trẻ chuyển sự tập trung của mình vào một cuộc cãi nhau "vui vẻ" với cha mẹ.

 

Vì vậy, khi trẻ bắt đầu hành động hư, chỉ đếm "1" (rồi ngậm miệng lại), "2" (rồi im lặng) và "3" (để trẻ vào phòng, ghế, góc nhà). Nhớ là lúc này, im lặng có tiếng nói to hơn lời của bạn.

 

Để minh họa, tác giả đưa 3 ví dụ. Cảnh 1: mẹ tin vào khả năng suy nghĩ "người lớn nhỏ": lời lẽ và lý do sẽ làm trẻ thay đổi. Cảnh 2: Mẹ bắt đầu dùng phương pháp đếm nhưng trẻ chưa biết. Cảnh 3: Mẹ dùng pp đếm và trẻ đã biết pp này.

 

Cảnh 1: Mẹ tin vào lời nói và lý do:

-Mẹ cho con một viên kẹo nhé?

-Không, con yêu.

-Tại sao không?

-Vì chúng ta sẽ ăn cơm lúc 6 giờ.

- Dạ, nhưng con muốn một viên kẹo.

- Mẹ vừa nói con là không được.

- Mẹ chẳng cho con cái gì cả.

-ý con là sao khi mẹ chẳng cho con gì? Con có quần áo mặc không? Có mái nhà trên đầu con không? mẹ sắp chon con ăn trong 2 giây nữa?

- Mẹ cho em con 1 cái cách đây nửa giờ.

- Nghe này, con có phải là em không? và thêm nữa, em con có ăn cơm.

- Con hứa là con sẽ ăn cơm.

- Đừng hứa với mẹ nữa, hứa hứa mãi, Heather! Hôm qua, 4 giờ rưỡi chiều, con ăn nửa cái bánh bơ đậu phọng và một cái bánh kẹp jelly và con không ăn gì trong bữa tối.

- VẬY THÌ CON SẼ TỰ TỬ VÀ BỎ KHỎI NHÀ.

- Ừ, LÀM ĐI. MẸ CHÁN CẢNH NÀY LẮM RỒI!!

 

Nói chuyện không đúng thời điểm dẫn đến cảnh trên. Đây là lúc cảnh báo, không phải lúc giải thích.

 

Cảnh 2: Mẹ bắt đầu dùng pp đếm 1-2-3

 

-Mẹ cho con một viên kẹo nhé?

-Không, con yêu.

-Tại sao không?

-Vì chúng ta sẽ ăn cơm lúc 6 giờ.

- Dạ, nhưng con muốn một viên kẹo.

- 1.

- Mẹ chẳng cho con cái gì cả.

- 2.

- VẬY THÌ CON SẼ TỰ TỬ VÀ BỎ KHỎI NHÀ.

- 3. Phạt 5 phút.

Trong cảnh này, mẹ làm tốt. Trẻ bị "nghỉ" 5 phút và cảnh phim kết thúc. Sẽ như thế nào khi trẻ quen dần với pp đếm và nhận ra rằng "thử và mánh khóe" không còn tác dụng?

 

Cảnh 3: 1-2-3 sau vài ngày:

Mẹ cho con một viên kẹo nhé?

-Không, con yêu.

-Tại sao không?

-Vì chúng ta sẽ ăn cơm lúc 6 giờ.

- Dạ, nhưng con muốn một viên kẹo.

- 1.

- (Dừng lại). Không được thì thôi (và quạu quọ rút lui khỏi nhà bếp).

Mẹ làm tốt. Mẹ không cần phải đếm cho câu "Không được thì thôi" bởi vì dù sao cũng không quá tệ và trẻ đã ra khỏi phòng. Nhưng nếu trẻ hỗn, nói "mẹ ngốc xít" chẳng hạn thì đếm thẳng tới 3 và phạt trẻ.

 

Điều gì hay ở phương pháp đếm 1-2-3?

Phương pháp này làm bạn đỡ tốn hơi. Công việc đưa trẻ vào kỹ luật nhẹ nhàng hơn. Chỉ cần một lời giải thích nếu cần thiết và sau đó là đếm. Không nói thêm, không cảm xúc. Bạn bình tĩnh hơn và cảm giác tốt hơn khi trẻ ngưng hành động sau khi đếm tới 1 hoặc 2.

 

Cũng vậy, quyền của bạn khi đếm 1-2-3 là không thương lượng. Bạn làm chủ. Làm cha mẹ nhưng không phải mọi thứ bạn đều có thể cho con. Nhiều cha mẹ làm cho việc kỷ luật con phức tạp hơn khi đưa cho trẻ 2 mục tiêu. Mục tiêu 1 là kỷ luật, cái này thì được. Nhưng mục tiêu thứ hai là làm cho trẻ thích nó. Giống như người mẹ ở cảnh 1, mẹ cứ nói và nói, giống như chờ đợi con mình sẽ trả lời "Ồ, con chưa bao giờ nghĩ đến. Cám ơn mẹ đã dành thời gian giải thích cho con" và sau đó từ bỏ cuộc khẩu chiến. Việc này không thường xảy ra. Nếu đứa trẻ lắng nghe và giảng giải có hiệu quả thì tốt. Nhưng với đứa trẻ bất đắc chí thì không được, nói quá nhiều dẫn đến cãi vã.

 

Một lý do 1-2-3 có hiệu quả là hình thức phạt ngắn và ngọt ngào: MỘT PHÚT CHO 1 NĂM TUỔI CỦA TRẺ. Trẻ 2 tuổi, phạt 2 phút. Kết quả trước mắt là đứa trẻ sẽ không quá tức tối sau khi bị phạt. Đa số trẻ sau khi bị phạt thì quên. Và nhớ rằng, bạn không được phép nhắc đến nó trừ khi nó hoàn toàn cần thiết.

 

Vậy thì khi nào giải thích hoặc nói nhiều hơn là cần thiết? Trong những trường hợp là trẻ không hoàn toàn không hiểu hành động đang làm, hoặc hành động trẻ đang làm là bất thường và khá nghiêm trọng, hoặc khi bạn cần thêm thông tin từ con về chuyện gì đã xảy ra.

 

Ví dụ, con bạn 7 tuổi, vừa học nhảy trên cái trampoline ở trường. Tan học, về nhà, con cởi giày và bắt đầu nhảy trên ghế sofa ở phòng khách. Bạn đếm "1", con hỏi "Con đã làm gì sai?". Bạn giải thích, cho dù con đã cởi giày nhưng bạn e rằng con có thể té đau hoặc làm hư ghế.

 

Vậy khi nào giải thích không cần thiết? Vài giờ sau, cũng đứa trẻ con bạn 7 tuổi, không lý do gì, đánh em gái ngay trước mặt bạn. Bạn nói "1", con la lên "CON CÓ LÀM GÌ ĐÂU?". Bạn đếm "2". Câu hỏi thừa.

 

Phương pháp đếm dễ đủ cho bạn hướng dẫn người trông trẻ, ông bà và người khác cùng chăm trẻ. Có khi cả nhà có thể đồng lòng đếm. Khi đó, trẻ sẽ biết mọi người cùng phạt 1 cách, không có trường hợp mẹ phạt thì qua ông bà dỗ dành hoặc trẻ biết có 1 kẽ hở nào. 

 

Có thể bạn còn muốn hỏi thêm nhiều câu hỏi, vui lòng đợi mình dịch tiếp chương sau. 

Có thể bạn đã bị missing